Nồng nàn tỏi Phan Rang

Đăng lúc: 25/08/16 03:02

Nồng nàn tỏi Phan Rang

Từ lâu, Phan Rang nổi tiếng là xứ sở của tỏi, và tỏi đã trở thành đặc sản của Phan Rang. Người trồng tỏi Phan Rang rất tự hào về loại nông sản

đặc biệt của mình, vừa là món gia vị độc đáo không thể thiếu trong các món chế biến, vừa là dược liệu trị được nhiều bệnh…

Phan Rang mùa tỏi


Chúng tôi đi trên cánh đồng tỏi của thôn Thái An xã Vĩnh Hải huyện Ninh Hải Ninh Thuận đang mùa thu hoạch. Nắng như đổ lửa, làm mặt cát cũng nóng hầm hập. Cánh đồng mênh mông nhưng không một bóng cây che mát, chỉ có gió lùa rát mặt và cát bay làm nheo mắt. Bà con nông dân đang thu hoạch thành quả lao động của mình sau hơn 4 tháng nhọc nhằn gieo trồng từng tép tỏi. Vào những ngày này, trên đoạn đường từ thành phố Phan Rang Tháp Chàm về đến cánh đồng tỏi của thôn Thái An xã Vĩnh Hải và thôn Mỹ Tường, thôn Khánh Nhơn xã Thanh Hải, cả hai xã đều thuộc huyện Ninh Hải, nào là xe du lịch, xe tải, xe mô tô ngược xuôi tấp nập. Đó là xe của những thương lái thu mua tỏi, họ lùng sục vào tận ruộng tỏi để tranh mua.

Theo anh Bảy Chò, nguyên Bí thư xã Vĩnh Hải (người dân nơi đây thường gọi anh là “già làng”) cho biết: “Mặc dù Ninh Thuận nổi tiếng xứ tỏi, nhưng đâu phải tỏi nơi đâu cũng có giá trị về mặt dược liệu. Thực sự chỉ có tỏi Ninh Hải, chủ yếu ở 2 xã Vĩnh Hải và Thanh Hải mới có được giá trị này. Vì đất xứ này được thiên nhiên ưu đãi, làm cho củ tỏi có hương vị nồng nàn, ít chất dầu và iốt có chất kháng sinh rất cao, trị được nhiều chứng bệnh. Anh Bảy Chò tâm đắc cho biết thêm: Năm nay tỏi trúng mùa và được giá. Năng suất bình quân 13 tấn/ha, giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg. Anh Bảy nhẩm tính: “Vốn đầu tư cho 1ha tỏi từ 40 - 50 triệu đồng, trừ chi phí, bà con nông dân còn lãi khoảng 15 đến 20 triệu đồng/ha”.

Nhưng khi chúng tôi chứng kiến cảnh các thương lái vào trả giá, mới thấy nông dân bị ép giá đến mức quá thiệt thòi. Anh Trần Phụ, một thương lái tỏi kỳ cựu, từ TPHCM ra đây mua tỏi, anh vào sân phơi tỏi của chị Lê Thị Nhì nơi chúng tôi cũng mới ghé vào, tôi lắng nghe họ trả giá: “Tính xa cạ 30.000 đồng/kg”. Chị Nhì trợn mắt lộ vẻ bất ngờ: “Tỏi loại 3 còn đến 50.000 đồng/kg, tỏi loại 1 phải 70.000 đồng/kg. Giá thấp quá làm sao bán được”. Một thương lái khác có mặt kịp thời, nhưng chưa lên tiếng, vì sợ đụng với đồng nghiệp, ông ta ỡm ờ có lợi cho người mua: “Giá vậy được rồi, bù qua sớt lại chút đỉnh”.

 
Bên ngoài đường có nhiều xe du lịch, xe gắn máy dừng lại, các thương lái túa vào nghe cuộc mặc cả buôn bán, để họ dễ phân định giá mua vào. Mọi người vào sân phơi tỏi của chị Nhì cũng như xem nhà kho của chị đang chứa tỏi và tự bới các đống tỏi ra xem khá tự nhiên, không cần hỏi ý kiến của chủ nhân. Sau khi xem xong, người chê điều này, kẻ chê điều khác, nào là tỏi còn tươi quá, chưa khô, tép nhỏ, vỏ lụa còn nhiều làm nặng ký… cuối cùng họ kết luận: giá mua xa cạ 30.000 đồng/kg là cao lắm rồi. Chị Nhì lắc đầu: “Các ông ép giá vừa thôi”.
 
Chờ cho các thương lái ra đi hết, chúng tôi mới hỏi mua 1kg tỏi loại 3 giá 50.000 đồng. Nhưng khi cầm xâu tỏi trên tay, chúng tôi so sánh với chùm tỏi loại 1 cũng chẳng khác biệt bao nhiêu. Nếu có chỉ khác tỏi loại 1 được kết lại thành từng xâu dài trông khá đẹp mắt, còn loại 3 nhỏ hơn chút đỉnh và cột thành chùm, không kết thành xâu dài. Chị Nhì vẫn chưa hết vẻ bần thần vì những lời ngã giá của các thương lái: “Họ như vậy đó, lúc nào cũng kiếm đủ điều chê bai để hạ thấp giá, chỉ có người trồng tỏi chúng tôi thiệt thòi mà thôi”.

Tỏi cô đơn
 
Trong lúc chúng tôi đang tâm đắc trao đổi với chị Nhì về quy trình canh tác cây tỏi trên đất Phan Rang, chợt có một thương lái chạy xe máy thẳng vào sân phơi tỏi của chị Nhì, cất tiếng hỏi lớn: “Có tỏi cô đơn không bà chủ?”. Chị Nhì gật đầu thay tiếng trả lời, anh ta xẵng giọng: “Bao nhiêu một ký, có bao nhiêu tôi mua hết”. Chị Nhì ra giá: “800.000 đồng/kg, tôi chỉ có 15kg thôi”. Gã thương lái nhăn mặt: “Bộ vàng hay sao mà hét tới trời vậy”. Chị Nhì cười từ tốn: “Còn hơn vàng nữa là khác, ông thử tìm hết xứ tỏi Ninh Hải này xem thì biết”. Gã thương lái không nói thêm tiếng nào, quay xe chạy thẳng một mạch. Qua câu chuyện của gã thương lái, chúng tôi chợt nhớ ra dạo này, tại TPHCM, người ta đang có phong trào tìm mua tỏi cô đơn về ăn trong bữa cơm hoặc ngâm rượu. Nhiều người cho rằng tỏi cô đơn chứa nhiều chất kháng sinh, là dược liệu quý hiếm dùng làm thuốc trị huyết áp, mỡ trong máu, thấp khớp… Không hiểu hiệu quả ra sao mà có người dám mua tới 1,5 triệu đồng/kg.
 
“Tỏi cô đơn có giá quá cao, sao chị không trồng toàn tỏi cô đơn, để bán được nhiều tiền hơn” - chúng tôi thắc mắc hỏi. Chị Nhì cười giải thích: “Từ bao đời nay đâu có giống tỏi nào gọi là cô đơn. Mà từ trong loại tỏi bình thường này nè”. Vừa nói chị Nhì vừa lấy một xâu tỏi đang phơi, chị lựa ra một củ tỏi nhỏ, tròn như hạt bi, không có nhiều tép nhỏ như những củ tỏi khác, cho biết: “Đây là tỏi cô đơn. Vì nó chỉ một mình một tép, nên người ta gọi là cô đơn. Trong một ruộng tỏi, lựa ra được 3 - 5kg là nhiều rồi. Sở dĩ tôi có được 15kg là do tôi để dành tới 3 mùa, chờ khi được giá thì bán”.

Ớt trên đất tỏi
 
Cạnh bên ruộng tỏi của chị Nhì là rẫy ớt của vợ chồng trẻ anh Liêu - chị Thanh đã gần tới kỳ thu hoạch. Anh Liêu là dân tộc Chăm, nhà ở làng nghề gốm Bàu Trúc. Mới 27 tuổi nhưng anh Liêu đã có gần 20 năm làm nghề gốm. Nhân một lần vào xứ Thái An này thăm một người bạn, anh gặp cô gái xứ tỏi Lê Thị Thanh đang ngồi giũ tỏi giữa trời trưa nắng. Giũ tỏi là một công đoạn vừa đòi hỏi đôi tay dịu dàng, làm sao giũ hết lá khô mà tỏi không bị rớt củ nào, nếu tỏi rớt ra, phải bỏ vào tỏi nhóm 3 bán mất giá. Hơn nữa, còn phải chịu thương chịu khó, ngồi suốt ngày ngoài nắng, cực nhọc vô cùng. Đây là công đoạn chủ yếu khi thu hoạch, tỏi nhổ xong đem phơi nắng 2 tuần lễ cho cọng tỏi khô héo, sau đó giũ bỏ những lá khô và cột tỏi lại từng chùm để đem phơi.
 
Gương mặt bầu bĩnh duyên dáng với đôi tay khéo léo dịu dàng của cô gái xứ tỏi đã hút hồn chàng trai xứ gốm Bàu Trúc và cột chân anh lại xứ này. Anh Liêu về làm rể xứ tỏi đã 3 năm rồi, một nghệ nhân gốm Bàu Trúc giờ đây là người trồng tỏi và ớt giỏi của Thái An. Anh Liêu đang chuẩn bị máy bơm nước tưới ớt, còn chị Thanh xem xét từng cây ớt xem coi cây nào có mầm bệnh gì không. Thấy khách vào tham quan rẫy ớt của mình, anh Liêu lịch sự mời mọi người cứ tự nhiên.
 
Chúng tôi hỏi vui anh Liêu: “Là một nghệ nhân tài hoa có tay nghề 20 năm với nghề gốm nung Bàu Trúc, sao anh lại bỏ làng nghề ra đi? Anh Liêu cười hóm hỉnh: “Làng nghề còn nhiều người giỏi hơn tôi. Về đây tôi được nhiều hơn là có cô vợ xinh đẹp, giỏi giang”. Anh Liêu giới thiệu về rẫy ớt của mình: “Chúng tôi áp dụng thâm canh ớt trên đất tỏi. Khi tỏi còn chừng hơn tháng thu hoạch, chúng tôi bắt đầu ươm ớt trước, sau đó trồng ớt xen lẫn trong tỏi. Nên khi vừa thu hoạch tỏi xong, ớt cũng lên cao rồi. Do vậy chỉ cần tháng sau là ớt đã ra trái và bắt đầu thu hoạch lai rai. Thâm canh như vậy rất có lợi cho mùa tỏi kế tiếp, đất thêm màu mỡ, tơi xốp, làm cho vị tỏi thơm nồng hơn. Hiện nay ớt cũng có giá lắm, 10.000 đồng/kg, trong khi năng suất bình quân 25 tấn/ha. Theo như giá này, người trồng ớt trên đất tỏi chúng tôi còn lãi khoảng 15 triệu đồng/ha”.
 
Tạm biệt xứ tỏi, nhưng chúng tôi vẫn còn băn khoăn. Chất lượng tỏi Phan Rang tuyệt vời là vậy, nhưng hiện nay xây dựng thương hiệu cho tỏi Phan Rang dường như bị bỏ quên, lắm khi để tỏi Thái Lan giả danh qua mặt.
 
SGGP Online

Bài viết khác

Zalo
favebook